Hoàng Diệu là mảnh đất có truyền thống hiếu học từ lâu đời, là quê hương của các vị đại khoa như: Nguyễn Trí Khoan đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân khoa Mậu Tuất niên hiệu Hồng Đức thứ 9 (1478) làm quan tới chức Thị Lang; Phạm Cẩn Trực đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân khoa Giáp Thìn niên hiệu Hồng Đức 15 (1484) làm quan tới chức Phủ Doãn Phụng Thiên, đặc biệt Phạm Cẩn Trực còn là một trong nhị thập bát tú của Hội Tao đàn (28 người của Hội Tao đàn); Phạm Doãn Giản đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân khoa Quý Mùi niên hiệu Thống Nguyên thứ 2 (1523) làm quan tới chức Thừa chính sứ; Nguyễn Thì Trung đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân khoa Ất sửu niên hiệu Thuần Phúc thứ 4 (1565) làm quan tới chức Thừa chính sứ, 2 lần đi sứ Trung Quốc, là ông tổ của nghề thuộc da đóng giày Việt Nam. Hoàng Diệu còn là quê hương của Nữ tướng Nguyễn Thị Dực (còn gọi Vàng Chinh) đã có công giúp nhà Lê đánh giặc Tống khi bà chết thì được phong Thần làm Thành hoàng làng Lai Cầu.
Xã có 4 làng: Phong Lâm, Văn Lâm, Trúc Lâm, Nghĩa Hy có nghề dầy da truyền thống vẫn còn duy trì đến ngày nay và ngày càng phát triển mạnh. Nhiều người con quê hương đã tiếp tục phát huy nghề tổ trở thành những doanh nhân thành đạt, sản phẩm giày da không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn trở thành mặt hàng xuất khẩu có tiếng ở nhiều nước trên thế giới.
Xưa kia, xã có 10 ngôi đình, 8 ngôi chùa, 4 miếu và 1 nhà thờ… qua thời gian, do chiến tranh và thiên nhiên tàn phá, đến nay nhân dân địa phương đã trùng tu, tôn tạo lại. Riêng miếu Lai Cầu đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá quốc gia năm 2004.
Trong sự nghiệp Cách mạng, Hoàng Diệu là quê hương của anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Gia Đỉnh, Giáo sư - Nhà giáo nhân dân - anh hùng lao động Vũ Văn Đính; thiếu tướng Đỗ Hoàng Mão - Phó tư lệnh quân khu Thủ đô; nhân chứng lịch sử Nguyễn Văn Tập, người lái xe tăng 390 húc đổ cảnh cổng dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 và nhiều đồng chí là cán bộ cấp cao của đảng, chính quyền và lực lượng vũ trang .
Chi bộ Đảng đầu tiên của xã Hoàng Diệu được thành lập năm 1947 với 5 đảng viên, đến nay Đảng bộ xã có 345 đảng viên, trong đó có 163 đồng chí đã được nhận huy hiệu Đảng từ 30 năm đến 70 năm tuổi đảng.
Trong các cuộc kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã có 177 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh được suy tôn liệt sỹ, 79 thương binh; 9 Bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 458 người có công được tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến các loại.